Độc đáo du lịch hồ Hòa Bình

Được ví như “Hạ Long trên cạn”, Khu du lịch hồ Hòa Bình chứa đựng những nét độc đáo và sức hấp dẫn rất riêng. Hướng vào khai thác các tiềm năng thiên nhiên, văn hóa, việc phát triển du lịch hồ Hòa Bình đã đem lại nhiều lợi ích về kinh tế, xã hội; góp phần đưa du lịch dần trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương.

Với diện tích khoảng 11 ha, đảo Dừa (xã Vầy Nưa, huyện Đà Bắc) được biết đến như là điểm dừng chân khó có thể bỏ qua đang thu hút đông đảo du khách khi đến thăm quan hồ Hòa Bình. Sau khoảng nửa tiếng đi tàu từ bến Thung Nai, thành phố Hòa Bình, ấn tượng đầu tiên khi đặt chân lên đảo Dừa đó chính là không gian thoáng mát với tầm nhìn bao quát một góc hồ rộng lớn và các đảo xung quanh. Những ngôi nhà sàn lớn, nhỏ được xây dựng theo kiến trúc cổ truyền người Mường ẩn hiện trong những rặng cây xanh mướt tạo cho du khách cảm giác gần gũi, hòa mình cùng thiên nhiên trời mây, non nước lòng hồ thủy điện. Sức hấp dẫn của điểm du lịch còn đến từ chính văn hóa ẩm thực dân tộc Mường mà du khách sẽ được thưởng thức tại đảo. Những món ăn thật bình dị như: cá hun khói, rau rừng đồ chấm lòng cá, thịt lợn nướng, cỗ lá lợn Mường... để lại dư vị khó quên. 

Đặc biệt, khách du lịch còn được đắm mình trong các lời ca, những điệu dân vũ của đồng bào dân tộc địa phương. Trực tiếp quản lý, điều hành tại đảo, anh Lưu Trung Nghĩa cho biết: “Năm 2014, đảo Dừa được UBND tỉnh Hòa Bình công nhận là một trong những điểm du lịch trọng điểm của tỉnh. Việc phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái đã giúp bà con có thêm thu nhập, đồng thời cũng góp phần bảo vệ môi trường tự nhiên khu vực lòng hồ và bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống do các thế hệ ông cha để lại”.

Khách du lịch chụp ảnh tại đảo Dừa.

Được biết, đảo Dừa chỉ là một trong số rất nhiều điểm du lịch độc đáo thuộc vùng hồ Hòa Bình. Hồ Hòa Bình là hồ nhân tạo lớn nhất Đông Nam Á có chiều dài 70 km, trải rộng trên địa bàn 17 xã thuộc địa bàn thành phố Hòa Bình và 4 huyện Đà Bắc, Cao Phong, Tân Lạc, Mai Châu. Trong khu vực lòng hồ có 47 đảo lớn, nhỏ với đặc trưng khí hậu trong lành, cảnh quan thiên nhiên đa dạng cùng các giá trị văn hóa dân tộc độc đáo gắn liền với điểm tham quan công trình Nhà máy thủy điện Hòa Bình. Do đó, nơi đây có điều kiện phát triển đa dạng các loại hình du lịch như du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm khám phá, du lịch tâm linh… Trong đó, nổi bật là các điểm du lịch cộng đồng nổi tiếng như xóm Đá Bia, xã Tiền Phong; xóm Ké, xã Hiền Lương; xóm Sưng, xã Cao Sơn (huyện Đà Bắc) hay bản Ngòi, xã Suối Hoa (huyện Tân Lạc)… Do các điểm du lịch đều nằm trong khu vực hồ Hòa Bình nên rất thuận lợi cho các hoạt động tham quan, trải nghiệm của du khách với nhiều nội dung phong phú như bơi lội, chèo bè mảng, chèo kayak, tham quan công trình Nhà máy thủy điện Hòa Bình, thăm các lồng nuôi cá đặc sản trên lòng hồ… 

Anh Bùi Tiến Đăng, du khách đến từ thành phố Đà Nẵng chia sẻ: “Lần đầu đến với hồ Hòa Bình, tôi không chỉ bị lôi cuốn bởi cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ như một “Hạ Long trên cạn”, mà còn ấn tượng với cách làm du lịch chuyên nghiệp nhưng cũng rất gần gũi, bình dị của người dân nơi đây. Nhất định tôi sẽ cùng gia đình, bạn bè trở lại để tiếp tục được khám phá thêm những nét độc đáo của du lịch hồ Hòa Bình”.

Du lịch hồ Hòa Bình có sức hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước.

Những năm qua, thực hiện Quyết định phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia hồ Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về phát triển Khu du lịch hồ Hòa Bình thành khu du lịch quốc gia - một trong những nội dụng quan trọng để phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương. Thực tiễn, việc phát triển du lịch hồ Hòa Bình đã giúp một một bộ phận không nhỏ người dân xung quanh khu vực lòng hồ có điều kiện chuyển đổi ngành nghề, giảm bớt phụ thuộc vào hoạt động nông, lâm nghiệp thuần túy. Đa dạng hóa các loại hình du lịch gắn với tiềm năng lòng hồ, nhất là du lịch cộng đồng đã trực tiếp góp phần nâng cao thu nhập của người dân; đồng thời cũng giúp bà con thấy được ý nghĩa của việc gắn phát triển du lịch với bảo vệ môi trường, gìn giữ và phát huy các bản sắc văn hóa truyền thống. Qua đó, tạo thêm động lực cho các địa phương trong quá trình xây dựng nông thôn mới.

Theo đồng chí Bùi Thị Niềm, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hòa Bình, hoạt động du lịch hồ Hòa Bình đã có những đóng góp quan trọng vào tổng thu từ khách du lịch trên địa bàn toàn tỉnh. Trong những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng lượng khách và tổng thu từ du lịch lòng hồ đạt khoảng 20%/năm. Đặc biệt, khu vực hồ Hòa Bình đã trở thành điểm đến của nhiều nhà đầu tư, với rất nhiều khu nghỉ dưỡng phù hợp với các phân khúc du khách khác nhau. Đó là cơ sở quan trọng để tỉnh tiếp tục khai thác hiệu quả tài nguyên du lịch, xây dựng hồ Hòa Bình trở thành khu du lịch quốc gia, phù hợp với quy hoạch đã được Thủ tướng phê duyệt.

Thời gian tới, tỉnh Hòa Bình sẽ tập trung đầu tư, nâng cấp về hạ tầng giao thông, bến cảng, kêu gọi doanh nghiệp tham gia phát triển các dòng sản phẩm du lịch chất lượng cao; bổ sung thêm số lượng tàu du lịch tiện nghi, hiện đại để phục vụ nhu cầu đa dạng và ngày càng cao của du khách. Trong đó, tập trung phát triển cácsản phẩm du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, du lịch tìm hiểu văn hóa các dân tộc, quan tâm phát triển các sản phẩm du lịch hỗ trợ… Từng bước nghiên cứu thực hiện chương trình liên kết tuyến du lịch đường thủy trên sông Đà kết nối với các điểm Khu du lịch hồ Hòa Bình với hồ thủy điện các tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu… Từ đó, vừa nâng cao sức hút của du lịch lòng hồ, vừa khai thác có hiệu quả các tiềm năng thiên nhiên, văn hóa để phát triển du lịch hồ Hòa Bình theo hướng hiệu quả, bền vững./.

Bài, ảnh: Tạ Quang Đạo

Nguồn : https://dangcongsan.vn/kinh-te/doc-dao-du-lich-ho-hoa-binh-622650.html
Copyright © 2023. Đảo Dừa Thung Nai Hòa Bình, Hộ kinh doanh cá thể số 017179003637 - Chủ nhân: Đinh Thị Phấn Mọi thông tin, hình ảnh từ website đều thuộc bản quyền của daoduahoabinh.com